Tổng quan Đặc khu kinh tế Thâm Quyến

Đặc khu kinh tế này được Đặng Tiểu Bình thành lập như là đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc. Nó tăng trưởng nhanh chóng với tốc độ 40% mỗi năm trong giai đoạn 1981 đến 1993, trong khi mức tăng trưởng GDP trung bình của toàn quốc chỉ là 9,8%.[8] Tốc độ tăng trưởng kinh tế sau đó chậm lại sau nhịp độ chóng mặt này. Từ năm 2001 đến 2005, tổng GDP của Thâm Quyến tăng trung bình 16,3% hàng năm. Từ năm 2012, tăng trưởng kinh tế đã chậm lại và chỉ khoảng 10% mỗi năm. Hiện nay, nó đang tăng trưởng với tốc độ 6 đến 7% mỗi năm.

Lĩnh vực đóng vai trò quan trọng nhất tại đặc khu kinh tế Thâm Quyến là công nghệ cao. Đây là nơi đóng vai trò như là trụ sở chính của một loạt các công ty công nghệ cao Trung Quốc như Huawei, Tencent, BYD, Konka, Skyworth, Coolpad, ZTE, Gionee, TP-Link, DJI, BGI (Viện Gen Bắc Kinh), OnePlus. Công ty lớn nhất của Đài Loan là tập đoàn Foxconn cũng có một nhà máy sản xuất lớn đặt tại Thâm Quyến. Nhiều công ty công nghệ cao nước ngoài có trung tâm hoạt động của họ tại Trung Quốc nằm trong Khu Khoa học và Công nghệ ở quận Nam Sơn.

Các khu công nghiệp chính tại đặc khu kinh tế này bao gồm Khu công nghiệp công nghệ cao Thâm Quyến (SHIP) là nơi sản xuất trong các lĩnh vực Công nghệ sinh học, Dược phẩm, Xây dựng và Vật liệu xây dựng, Hóa chất, Phần mềm máy tính, Lắp ráp và sản xuất linh kiện điện tử, Sản xuất thiết bị công nghiệp, thiết bị y tế, Nghiên cứu và phát triển, Thiết bị viễn thông. Công viên phần mềm Thâm Quyến được tích hợp với Khu công nghiệp công nghệ cao Thâm Quyến để hỗ trợ cho sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm.